Khi tiếng Anh được đưa vào trở thành một môn học bắt buộc, phần lớn mọi người đều nhận định tiếng Anh là một môn học để đánh giá học lực của học sinh thông qua điểm số. Những bài kiểm tra cuối kì, những kì thi học sinh giỏi hay kì thi chuẩn hóa dần trở thành tiêu chuẩn để đánh giá xem một người "giỏi" tiếng Anh tới đâu.
Mình không có bất kỳ thành kiến hay có ý chỉ trích những kỳ thi này. Nhưng để đánh giá về khả năng "giỏi" một ngôn ngữ, có lẽ chúng ta nên nhìn theo một hướng tiếp cận khác. Trước tiên, hãy tham khảo một chút về quan điểm của mình đối với các kì thi hiện tại: các bài kiểm tra và kỳ thi hoàn thành rất tốt mục đích của chúng: đánh giá năng lực hoặc mức độ thành thạo tiếng Anh của người tham gia.
Đầu tiên là về hệ thống giáo dục tiếng Anh công lập tại Việt Nam và các bài thi học kỳ. Hầu hết chúng ta đều thấy chương trình tiếng Anh hiện tại tập trung khá nặng về ngữ pháp, yêu cầu học sinh nắm rõ các kiến thức ngữ pháp về 12 thì, chuyển câu trực tiếp-gián tiếp, câu bị động, câu điều kiện, đảo ngữ, ... Những bài thi học kỳ cũng tập trung vào mặt ngữ pháp đó dựa trên phần Grammar. Phonetics (Phát âm) cũng được kiểm tra dựa trên cách đánh trọng âm hoặc từ có phát âm khác. Chính vì thế, bài kiểm tra học kỳ này đã hoàn thành mục tiêu là kiểm tra kiến thức ngữ pháp của học sinh.
Đối với kì thi chuẩn hóa IELTS, mục đích của nó là đánh giá khả năng của một người không phải bản xứ (non-native) trong việc phát triển cuộc hội thoại với người nước ngoài, thể hiện rõ nhất qua phần thi Speaking (thi nói) khi thí sinh tham gia vào một cuộc hội thoại 1-1 với giám khảo về các chủ đề thường ngày.
Còn kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh, theo cảm nhận của mình, chính là chọn ra những học sinh có mức độ thông thao tiếng Anh tốt nhất. Bài thi Nghe và Đọc dựa trên format CPE (Certificate of Proficiency in English), hay là mức C2 - mức cao nhất trong khung tham chiếu CEFR. Đối với phần thi Nói, thí sinh có 5 phút để nói, hay đúng hơn nên là hùng biện, về một chủ đề cho trước.
Là một người đã có trải nghiệm với cả ba bài kiểm tra và kỳ thi trên, mình đã nhận thấy sự khác biệt của từng loại. Mình dành phần lớn thời gian (tính đến giờ là 2 năm) để ôn thi kì thi HSGQG và vì thế đã khá quen thuộc với format của kỳ thi. Đặc biệt, hành trình luyện phát âm và phát triển ý tưởng của mình hoàn toàn là trong thời gian ôn thi nói của kỳ thi HSGQG và vì thế, mình đã làm quen với việc phân tích một ý tưởng trong thời gian dài. Khi quay lại ôn thi IELTS Speaking, mình đã gặp khá nhiều khó khăn với part 1, không phải vì không có ý tưởng và từ vựng, mà là vì mình không thể giới hạn phần trả lời xuống 2-3 câu. Còn đối với các bài kiểm tra học kỳ, mình hầu như được từ 9-10. Tuy nhiên trong kỳ thi phân ban (một kỳ thi vào thời điểm thi học kỳ nhưng không lấy điểm) thì mình chưa từng được 10.
Có một lần, cô giáo mình đã nói lớp chuyên Anh mà lại không được 10 tiếng Anh. Cá nhân mình cảm thấy đây là một nhận định khá vô lý dựa trên quan điểm của bản thân. Vậy thì bây giờ mình sẽ chia sẻ quan điểm của mình. Cách đánh giá một người "giỏi" một ngôn ngữ nên được dựa trên khả năng truyền đạt và thấu hiểu ngôn ngữ của họ.
Cụ thể hơn, ví dụ như môn tiếng Anh, mình thường nghe mẹ kể về con cái của bạn mẹ học trường Quốc tế, có phát âm và ngữ điệu rất tốt, nhưng lại không chắc ngữ pháp. Một người giỏi kỳ thi này chưa chắc đã có thể hoàn thành xuất sắc một kỳ thi khác, đơn giản vì mục đích của mỗi kỳ thi là khác nhau. Việc bạn có thể hiểu người đối diện đang nói gì và có thể diễn đạt ý tưởng của mình theo ý mình muốn chính là sự thông thạo, hay còn gọi là "giỏi" ngôn ngữ đó.
Quan điểm này của mình dựa trên quan điểm của bản thân về bản chất của ngôn ngữ: ngôn ngữ hình thành và phát triển để phục vụ mục đích giao tiếp của con người. Khả năng phân hóa ngôn ngữ và phát triển thành các nhánh đa dạng cũng chính là một nét độc đáo của con người. Và vì thế, khi bạn có thể giao tiếp linh hoạt cũng có nghĩa là bạn đã giỏi tiếng Anh. Ở khía cạnh này thì mình khá hài lòng với cách kỳ thi IELTS đánh giá thí sinh: dựa trên bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, và Viết. Cá nhân mình cảm thấy bốn kỹ năng này đều có những liên kết đặc biệt với nhau và góp phần hình thành nên khả năng giao tiếp. (Về sự liên kết này có lẽ mình sẽ để thành một bài riêng).
Và vì thế, mình tin rằng, bạn "giỏi" một ngôn ngữ là khi bạn có thể hiểu và khiến người khác hiểu bản thân mình. Say it and others will hear it.
Comments